Doanh thu giảm mạnh khiến cho cổ phiếu của Vietnam Airlines có thể bị huỷ niêm yết

Doanh thu giảm mạnh khiến cho cổ phiếu của Vietnam Airlines có thể bị huỷ niêm yết

12/05/2021 0 Lê Dung 669
5 phút, 24 giây để đọc.

Vietnam Airlines vẫn luôn được biết đến là hãng hàng không chủ lực của Việt Nam, đã trải qua lịch sử hơn 20 năm trưởng thành và phát triển. Vào năm 2015, hãng hàng không quốc gia này đã chuyển mô hình hoạt động sang hình thức cổ phần. Lúc này thì vai trò của các cổ đông cũng được thể hiện mạnh mẽ, giá cổ phiếu của Vietnam Airlines cũng không ngừng tăng trưởng.

Tuy nhiên, bây giờ đó chỉ là câu chuyện của những năm trước. Từ năm 2020 đến đầu năm 2021, dưới sự tác động của dịch bệnh Covid-19 thì Vietnam Airlines liên tục thua lỗ. Điều này khiến cho cổ phiếu của hãng hàng không này có thể bị huỷ niêm yết.

Vietnam Airlines công bố báo cáo tài chính quý I/2021

Doanh thu thuần của Vietnam Airlines tiếp tục giảm trong quý I/2021

Tổng công ty Hàng không Việt Nam (Vietnam Airlines, mã: HVN) vừa công bố báo cáo tài chính hợp nhất quý I/2021 với doanh thu thuần giảm 60% so với cùng kỳ chỉ đạt 7.460 tỷ đồng.

Doanh thu giảm mạnh trong khi chi phí không thể tiết giảm tương xứng. Điều này đã khiến hãng hàng không quốc gia ghi nhận lỗ 4.975 tỷ đồng. Con số tăng hơn 90% so với cùng kỳ.

Quý I của Vietnam Airlines khó khăn một phần do cạnh tranh khốc liệt tại thị trường hàng không nội địa. Bên cạnh đó là do dịch Covid-19 tái bùng phát vào đúng cao điểm Tết Nguyên đán. Dịch bệnh đã khiến toàn ngành hàng không hụt thu.

Khoản lỗ nói trên đã nâng mức lỗ lũy kế của Vietnam Airlines lên 14.219 tỷ đồng khiến vốn điều lệ của doanh nghiệp âm 5.319 tỷ đồng (vốn điều lệ của Vietnam Airlines là 8.942 tỷ đồng), đồng thời kéo vốn chủ sở hữu của “ông lớn” hàng không này từ 6.000 tỷ đồng xuống còn 1.031 tỷ đồng.

Bên cạnh lỗ, hãng còn gánh khoản nợ phải trả 59.550 tỷ đồng, trong đó riêng các khoản nợ vay ngắn hạn là 12.694 tỷ đồng và nợ vay dài hạn là 21.640 tỷ đồng. Tỷ lệ nợ phải trả/vốn chủ sở hữu tăng lên 57,7 lần – mức rủi ro đặc biệt.

Cổ phiếu của Vietnam Airlines bị đưa vào diện cảnh báo

Cổ phiếu HVN sẽ bị hủy niêm yết nếu không tăng vốn điều lệ.

Đáng chú ý, theo quy định của Luật chứng khoán; nếu doanh nghiệp có tổng số lỗ lũy kế vượt quá vốn điều lệ thực góp trong BCTC kiểm toán gần nhất trước thời điểm xem xét sẽ bị hủy niêm yết bắt buộc. Do vậy, cổ phiếu HVN có thể rơi vào trường hợp này nếu không tăng vốn điều lệ.

Ngày 15/4 vừa qua, cổ phiếu HVN cũng chính thức bị HoSE đưa vào diện cảnh báo. Lý do vì lợi nhuận sau thuế của cổ đông Vietnam Airlines năm 2020 là âm 10.927 tỷ đồng. Lợi nhuận sau thuế chưa phân phối tại ngày 31/12/2020 âm 9.327 tỷ đồng.

Vietnam Airlines có phương án tăng vốn điều lệ

Vietnam Airlines có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng

Trước đó, hãng đã có kế hoạch tăng vốn điều lệ thêm 8.000 tỷ đồng. Tăng bằng cách phát hành cổ phiếu chào bán cho cổ đông hiện hữu do việc thua lỗ đã được dự báo trước; bởi dịch bệnh Covid-19 đối với thị trường hàng không. Tổng công ty Đầu tư Kinh doanh vốn Nhà nước (SCIC) sẽ thay mặt Chính phủ mua cổ phiếu.

Dự kiến, sau khi phát hành phần vốn tăng thêm, SCIC sẽ nắm giữ 25,39% tổng số cổ phần tại Vietnam Airlines. Đơn vị này sẽ có đại diện trong Hội đồng quản trị của hãng. Tổng số tỷ lệ cổ phần mà Nhà nước có tại hãng vẫn là 86,1%.  ANA Holdings là 8,77%. 5,04% còn lại thuộc về các cổ đông khác.

Khoản tiền thu về sau phát hành sẽ dùng để thanh toán toàn bộ các khoản nợ quá hạn. Bên cạnh đó là bù đắp phần vốn thiếu hụt trong hoạt động sản xuất kinh doanh. Trả các khoản vay ngắn hạn, dài hạn tại các ngân hàng. Số tiền không dùng cho các hoạt động đầu tư; mua sắm hay các hoạt động không trực tiếp phục vụ sản xuất kinh doanh.

Với việc phát hành 8.000 tỉ, vốn chủ sở hữu của hãng sẽ ở mức 8.278 tỉ đồng (đến hết năm 2020) và 8.242 tỉ đồng (hết năm 2021). Tỷ lệ nợ trên vốn chủ sở hữu hết 2020 dự kiến ở mức 6,19 lần; sẽ giảm xuống còn 5,22 lần (cuối năm 2021).

Chính phủ có những động thái hỗ trợ tái cấp vốn cho Vietnam Airlines

Chính phủ có những động thái hỗ trợ cho Vietnam Airlines

Cuối tháng 3, Thủ tướng Chính phủ cũng đã ký quyết định về việc Ngân hàng Nhà nước tái cấp vốn cho các tổ chức tín dụng sau khi cho Vietnam Airlines vay bổ sung vốn phục vụ hoạt động kinh doanh theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ.

Ngân hàng Nhà nước Việt Nam thực hiện tái cấp vốn bằng đồng Việt Nam, không có tài sản bảo đảm trên cơ sở đề nghị của tổ chức tín dụng và số tiền cho vay của tổ chức tín dụng đối với Vietnam Airlines theo Nghị quyết của Quốc hội và Nghị quyết của Chính phủ. Tổng số tiền giải ngân tái cấp vốn đối với các tổ chức tín dụng tối đa là 4.000 tỷ đồng.

Lãi suất tái cấp vốn là 0%/năm. Lãi suất áp dụng đối với nợ gốc tái cấp vốn quá hạn thực hiện theo quy định tái cấp vốn của Ngân hàng Nhà nước.

Cập nhật đến cuối tháng 12-2020, doanh thu hợp nhất năm nay của hãng ước 42.523 tỉ đồng. Trong đó, công ty mẹ ước đạt 32.983 tỉ đồng. Con số này đều vượt so với kế hoạch lần lượt là 1.937 tỉ đồng (4,8%) và 448 tỉ đồng (1,4%). Song số lỗ hợp nhất dự kiến ở mức 14.445 tỉ đồng. Mức lỗ sẽ giảm thêm khoảng 2.858 tỉ đồng khi hoàn tất các thủ tục điều chỉnh khấu hao; phân bổ chi phí sửa chữa bảo dưỡng theo chính sách hỗ trợ của Chính phủ.

Nguồn: Vnbusiness.vn