Triển vọng phát triển của cổ phiếu ngân hàng năm 2021

Triển vọng phát triển của cổ phiếu ngân hàng năm 2021

12/05/2021 0 Lê Dung 549
7 phút, 49 giây để đọc.

Theo như đánh giá của nhiều chuyên gia kinh tế, trong năm 2021 ngân hàng sẽ là đối tượng được hưởng lợi đầu tiên khi nền kinh tế có dấu hiệu phục hồi trở lại. Các chuyên gia cũng dự báo lợi nhuận tăng trưởng của ngân hàng sẽ tăng vọt, tăng trưởng tín dụng cũng cao hơn so với năm 2020. Tất cả những lý do trên đã vẽ ra một bức tranh vô cùng tươi sáng cho các mã cổ phiếu ngân hàng năm 2021. Tuy nhiên, triển vọng của nhóm cổ phiếu này đôi khi sẽ khiến các nhà đầu tư phải băn khoăn, không biết nên chọn mã cổ phiếu nào thích hợp nhất.

Điểm qua sự tăng trưởng của một số mã cổ phiếu ngân hàng

Cổ phiếu ngân hàng đang có sự tăng trưởng vượt bậc

Thị giá nhiều cổ phiếu ngân hàng trong tuần qua đã tăng 7-10% như ACB (ACB), TCB (Techcombank), VPB (VPBank)…, đặc biệt STB (Sacombank) tăng tới 19%, VIB tăng 17%. Tính từ đầu năm đến nay, thị giá nhóm cổ phiếu ngân hàng đã tăng trung bình 30-50%.

Tăng giá mạnh nhất trong thời gian vừa qua là cổ phiếu SSB của SeABank. Dù mới chỉ niêm yết trên HoSE ngày 24/3 với giá tham chiếu 16.800 đồng/cp, nhưng đến phiên giao dịch ngày 2/4, thị giá cổ phiếu này đã tăng lên tới 28.250 đồng/cp, tương đương mức tăng hơn 68%. Vốn hóa thị trường của SeABank đạt hơn 34.000 tỷ đồng, vươn lên vị trí 12/26 trong danh sách các ngân hàng niêm yết và giao dịch trên UPCoM.

Tính đến thời điểm hiện tại, giá nhiều cổ phiếu ngân hàng đã vượt mức đỉnh lịch sử như VPB, MBB, TCB, BID, CTG…, nhưng nhóm cổ phiếu này vẫn được nhìn nhận còn khá nhiều dư địa tăng trưởng.

Trong một báo cáo mới đây, Công ty chứng khoán MB (MBS) cho biết, cổ phiếu ngân hàng vẫn sẽ đóng vai trò dẫn dắt thị trường trong thời gian tới, do có lợi thế về mặt thanh khoản và các thông tin hỗ trợ.

Vì sao cổ phiếu ngân hàng có nhiều triển vọng trong năm 2021?

Chính sách có nhiều thay đổi tích cực

Cổ phiếu ngân hàng triển vọng vì có nhiều chính sách hỗ trợ đi kèm

Mới đây, Ngân hàng Nhà nước (NHNN) đã ban hành Thông tư 03/2021/TT-NHNN sửa đổi, bổ sung một số điều của Thông tư số 01/2020/TT-NHNN.

Bên cạnh những quy định liên quan đến cơ cấu lại thời hạn trả nợ, miễn, giảm lãi, phí, giữ nguyên nhóm nợ nhằm hỗ trợ khách hàng chịu ảnh hưởng bởi dịch Covid-19, Thông tư 03 cho phép ngân hàng giãn thời gian trích lập cho các khoản nợ tái cơ cấu trong tối đa 3 năm. Điều này giúp giảm áp lực dự phòng nợ xấu cho các tổ chức tín dụng.

Tuy nhiên, theo Công ty chứng khoán BIDV (BSC), các khoản nợ tái cơ cấu không phải vấn đề lớn đối với các nhà băng. Đến hết năm 2020, các ngân hàng đã cơ cấu lại thời hạn trả nợ khoảng 355.000 tỷ đồng dư nợ.

Tại các ngân hàng niêm yết, dư nợ tái cơ cấu bắt đầu giảm trong quý IV/2020. Theo thống kê của BSC, 80 – 90% các doanh nghiệp đã tái cơ cấu nợ có thể quay trở lại hoạt động sản xuất kinh doanh bình thường, từ đó tiếp tục trả gốc và lãi. Do đó, giúp tỷ lệ nợ xấu trong các khoản nợ tái cơ cấu sẽ chỉ ở mức 10-20%.

Theo Trung tâm Phân tích, Chứng khoán SSI (SSI Research), hầu hết các ngân hàng đã đẩy nhanh xóa nợ xấu và tăng trích lập dự phòng bao nợ xấu trong quý IV/2020. Tại ngày 31/12/2020, tỷ lệ bao phủ nợ xấu trung bình cao nhất 3 năm qua.

Nhiều ngân hàng công bố ước tính kết quả kinh doanh có lãi

Nhiều ngân hàng đã công bố lãi ước tính trong quý I/2021

Triển vọng tăng trưởng tín dụng cao hơn trong năm 2021 sẽ kéo theo tăng trưởng thu nhập lãi thuần. NHNN đặt mục tiêu tín dụng tăng 12% và có thể mở rộng lên 13-14%; cân đối phù hợp với tình hình thị trường và nền kinh tế. Phần lớn chuyên gia phân tích cũng dự báo tín dụng sẽ tăng cao hơn 12%, thậm chí BSC còn kỳ vọng tín dụng tăng 14%.

Cùng với đó, nhiều ngân hàng cũng đã công bố ước tính kết quả kinh doanh quý I. Phần lớn đều tăng trưởng trên 100% so với cùng kỳ. Có thể kể đến như, SeABank báo lãi trước thuế tăng 130% trong quý I/2021; MSB tăng 315%, VietinBank dự kiến tăng 135-170%…

Riêng nhóm ngân hàng thương mại quốc doanh (Vietcombank, BIDV, VietinBank, Agribank) có khả năng sẽ đạt tăng trưởng 75-85% khi đã tăng trích lập dự phòng để giải quyết các tài sản có vấn đề.

Các ngân hàng thương mại cổ phần dự kiến tăng lợi nhuận trước thuế 45-55% trong quý đầu năm. Năm 2021, lợi nhuận trước thuế ngành ngân hàng ước tăng 24%, được thúc đẩy bởi tăng trưởng tín dụng 15% và chi phí tín dụng giảm 22 điểm cơ bản.

Một số ngân hàng luôn có những câu chuyện riêng

Cổ phiếu STB của Sacombank

Cổ phiếu STB của Sacombank đã chạm đỉnh, vượt qua ngưỡng 20.000đồng/cp

Bên cạnh những yếu tố hỗ trợ chung toàn ngành, đối với những trường hợp cá biệt với mức tăng cùng thanh khoản gây sốc như STB thì sức hấp dẫn còn đến từ những câu chuyện riêng của ngân hàng.

Cụ thể, trong phiên 30/3, STB tăng trần với gần 100 triệu cổ phiếu được khớp lệnh. Giá trị xấp xỉ 2.000 tỷ đồng. Đây là phiên có khối lượng lớn nhất của cổ phiếu này kể từ ngày niêm yết tới nay. Đồng thời giá cổ phiếu cũng chính thức bước qua ngưỡng 20.000 đồng/cp.

Phiên tiếp theo là ngày 31/3; cổ phiếu STB tiếp tục tăng giá cùng hơn 56 triệu đơn vị được khớp lệnh. Đặc biệt, phiên giao dịch ngày 1/4 cũng là phiên Vn-Index lập kỷ lục cao nhất trong lịch sử tại trên 1.216 điểm, STB tăng lên 21.600 đồng/cp – cao nhất trong 14 năm cùng hơn 33 triệu đơn vị được khớp lệnh.

Trước đó, ngày 24/3 gần 45,2 triệu cổ phiếu STB được giao dịch thỏa thuận ở giá 20.000 đồng/cp. Con số này tương đương giá trị gần 901,5 tỷ đồng. Tổng khối lượng thỏa thuận từ đầu tháng 3 là gần 96,8 triệu cổ phiếu; với giá trị hơn 1.937 tỷ đồng.

Câu chuyện riêng của VPBank hay Kienlongbank

Tăng trưởng của các ngân hàng tốt nên không khó hiểu vì sao cổ phiếu lại tăng mạnh

Trong tuần qua, những thông tin xoay quanh vấn đề cổ đông; tập đoàn mới đầu tư vào Sacombank vẫn liên tục xuất hiện. Cùng với đó là kế hoạch bán toàn bộ cổ phần STB của Kienlongbank – là tài sản đảm bảo cho khoản vay của một nhóm cổ đông, để tất toán nợ có liên quan chậm nhất là ngày 31/3.

Tuy nhiên, thông tin chính thức sẽ phải chờ ngân hàng lên tiếng tại Đại hội cổ đông thường niên sắp tới. Hoặc dựa vào số liệu tại báo cáo tài chính quý I. Năm nay, Kienlongbank đặt kế hoạch lợi nhuận 1.000 tỷ đồng. Con số này gấp khoảng 6 lần so với năm 2020. Trong đó phần lớn “trông chờ” vào việc xử lý số cổ phiếu STB.

VPBank cũng là ngân hàng nhận được chú ý với kế hoạch bán vốn tại FE Credit, và theo dự báo từ các công ty chứng khoán, thương vụ này có thể hoàn tất trong nửa đầu năm 2021. Trong trường hợp đàm phán không thành công, VPBank sẽ xem xét IPO FE Credit vào cuối năm. FE Credit có thể được định giá cổ phiếu vào khoảng 3-4 lần giá trị sổ sách. Nếu bán vốn thành công, nguồn thu này sẽ đóng góp vào lợi nhuận.

Kết luận

Nhìn chung, diễn biến của mỗi cổ phiếu gắn với câu chuyện riêng. Tất cả dựa trên trên nền tảng kết quả kinh doanh và triển vọng của từng ngân hàng. Tuy nhiên tất cả đều đang vận động trong bối cảnh tiền nhiều và rẻ. Cùng với đó là làn sóng tham gia thị trường của nhà đầu tư F0.

Theo số liệu của Tổng cục Thống kê, tính đến cuối tháng 3; tổng mức huy động vốn trên thị trường chứng khoán ước đạt 55.562 tỷ đồng. Con số này tăng 42% so với cùng kỳ năm trước. Giá trị giao dịch bình quân trên thị trường cổ phiếu đạt 18.907 tỷ đồng/phiên. Con số này tăng 155% so với bình quân năm trước.

Theo ông Trần Hoàng Sơn, Giám đốc chiến lược thị trường, Công ty Chứng khoán MB (MBS), dịch Covid-19 đã thúc đẩy dòng tiền vào thị trường chứng khoán, có 5 nhóm ngành tích cực trong thời gian tới. Trong đó ngân hàng chiếm 35% tổng thanh khoản thị trường. Dư địa với một số cổ phiếu trong nhóm ngành này còn khá tốt, giá còn hấp dẫn.

Nguồn: Vnbusiness.vn